Khi chế biến khoai tây, bạn chú ý nấu vừa chín vì càng chế biến lâu thì các chất dinh dưỡng có trong đó càng dễ “bay mất”.
Giàu chất dinh dưỡng
Khoai tây có hàng trăm loại khác nhau và được phân biệt dựa trên kích thước, hình dạng, màu sắc và mùi vị.
Là một trong những thực phẩm giàu dưỡng chất nhất, một củ khoai tây 100g cung cấp: 19g cacbonhydrat, 2g protein, 0,1g chất béo, và 79g nước. Bên cạnh đó, khoai tây còn chứa nhiều tinh bột, cacbonhydrat, kali, vitamin B6 và B3, và sắt. Đặc biệt, loại củ này hoàn toàn không có cholesterol.
Không nên bỏ vỏ khoai tây khi chế biến vì đây là lớp áo bảo vệ bên ngoài mà nếu bị mất đi, khoai tây sẽ dễ bị vi khuẩn tấn công. Hơn nữa lớp vỏ cũng là nơi tập trung phần lớn chất xơ và rất nhiều chất dinh dưỡng khác.
Khi chế biến khoai tây, bạn chú ý nấu vừa chín vì càng chế biến lâu thì các chất dinh dưỡng có trong đó càng dễ “bay mất”.
Chọn khoai tây như thế nào thì ngon?
Khi mua, bạn nên chọn những củ khoai tây chắc tay. Vỏ nhẵn mịn, không có chấm, nốt. Không nên chọn khoai tây đã mọc mầm hoặc chuyển sang màu xanh xám, đỏ vì đó là dấu hiệu cho thấy khoai tây có độc tố.
Các món ăn ngon mà đơn giản từ khoai tây
Khoai tây chiên: Gọt vỏ, cắt miếng rồi cho vào ngâm trong nước lạnh khoảng 1h. Sau đó, rửa sạch và để ráo nước. Rán khoai hai lần bằng dầu nóng: Lần thứ nhất với nhiệt độ 160 độ C, lần thứ hai với nhiệt độ 190 độ C để khoai có màu vàng ươm.
Khoai tây luộc: Luôn dùng nước lạnh để luộc khoai tây. Khi nước sôi, nhớ cho thêm chút muối vào nồi. Thời gian luộc sẽ tùy theo kích thước khoai tây to hay nhỏ. Dùng dao hoặc dĩa chọc vào khoai để kiểm tra xem chúng chín chưa.
Khoai tây nghiền: Luộc khoai chín rồi đem nghiền (để cả vỏ hoặc bóc vỏ đều được). Nhớ cho thêm chút sữa ấm, bơ, muối và nước. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thêm các thành phần khác như mù tạt, *** đỏ trứng, dầu ôliu, phó mát, húng tây…
Khoai tây nướng: Dùng giấy nhôm bọc từng củ khoai tây lại, sau đó cho vào lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C.
Khoai tây mài: Khoai tây bóc vỏ rồi đem mài nhuyễn. Sau đó, trộn với hành băm, muối, tiêu và trứng đánh tan. Cho một ít dầu vào chảo, nung nóng rồi cho hỗn hợp trên vào rán, mỗi lần dày khoảng 1cm. Nhấc khoai tây ra khỏi chảo khi thấy chúng có màu nâu và giòn.
Salad khoai tây: Sau khi luộc khoai tây, bạn có thể làm theo một trong hai cách sau: Một là bóc vỏ ngay và rưới nước sốt salad lên khoai trong lúc chúng vẫn còn nóng để nước sốt có thể thấm vào trong khoai tây. Hai là để khoai nguội rồi bóc vỏ, cắt miếng và đổ nước sốt lên. Cách thứ hai sẽ ít chất béo hơn vì khi để nguội khoai tây sẽ hút ít dầu hơn.
Các công dụng khác của khoai tây:
Đánh bóng bát đĩa: Bát đĩa lâu ngày không được sử dụng sẽ giảm độ bóng sáng. Bạn luộc chín vài củ khoai tây rồi cho bát đĩa vào trong nồi nước luộc khoai, ngâm một giờ. Sau đó vớt ra rửa sạch.
Làm cho mỡ không bị cháy đen: Cho một vài miếng khoai tây thái nhỏ vào trong chảo mỡ, mỡ sẽ không bị cháy đen trong quá trình chế biến.
Làm sạch vết bẩn trên bàn tay: Khi cắt gọt rau củ (cà rốt, bí đỏ...), tay bạn dễ bị dính màu của chúng. Hãy lấy vài lát khoai tây mỏng chà xát lên hai bàn tay rồi rửa lại bằng nước lạnh.
theo SF, PN
Nguồn: Diendan.Eva.Vn
.